Cây cầu gỗ mộc mạc bắc ngang dòng sông xanh biếc, nghiêng nghiêng trong ráng chiều rực rỡ của vùng quê yên bình xứ Nẫu – Một khung cảnh nên thơ làm say đắm lòng người.
Đó chính là một trong những cây cầu gỗ hiếm hoi còn lại ở Phú Yên và hơn thế nữa, cây cầu này hiện đang giữ kỷ lục “Cầu gỗ dài nhất Việt Nam” – CẦU ÔNG CỌP, hay người dân nơi đây thường gọi là Cầu Miễu Ông Cọp.
Cầu Ông Cọp gần đây cũng trở thành điểm nóng check-in của các phượt thủ và các nhiếp ảnh gia rung động trước vẻ đẹp hút hồn mang đậm chất huyền thoại này…
Cầu gỗ Ông Cọp bắc qua đoạn cửa sông Bình Bá thông ra đầm Ô Loan để nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An với phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên), chỉ khoảng 100m từ Quốc lộ 1A đi về hướng biển nên bạn sẽ dễ dàng tìm thấy bóng dáng nhỏ bé của cây cầu giữa vùng nước mênh mông.
Cầu được xây dựng năm 1998 và đi vào hoạt động từ năm 1999 với chiều dài gần 80m và chiều rộng từ 1,5m đến 1,8m. Thân cầu là những tấm ván gỗ làm từ thân cây phi lao ghép bằng đinh tán, thành cầu là từ những thân tre già buộc lại với nhau.
Thoạt nhìn, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên và hơi e ngại về độ chắc chắn của cầu. Ấy vậy mà cây cầu gỗ này lại là tuyến thông thương chính của hàng ngàn hộ dân hai bên cầu, thay cho những chuyến đò ngang bất tiện và không an toàn hoặc người dân sẽ phải đi vòng rất xa để sang bờ bên kia. Sau mỗi mùa mưa bão, cầu đôi khi bị cuốn trôi hoặc hư hại nặng, chủ cây cầu phải sửa chữa, có khi làm mới hoàn toàn. Chi phí để dựng một cây cầu gỗ dài gần 800m này khoảng 1,5 tỉ đồng và cần 3 tháng để hoàn thành trong sự mong mỏi của người dân. Cũng chính vì vậy, ở đầu cầu bên Xuân Đài dựng một chòi canh do hộ gia đình quản lý thu phí bảo trì cây cầu. Mỗi lượt khách sẽ từ 1.000 đồng đến 5.000 đồng tùy theo số lượng người và hàng hóa, riêng học sinh qua cầu sẽ được miễn phí.
Tên của cây cầu gỗ cũng gắn liền với câu chuyện đậm màu huyền thoại – Miễu Ông Cọp. Tương truyền xa xưa, vùng này thường xuất hiện những đàn Cọp, trong đó có ông Cọp Bạch. Vào một ngày, bà Cọp Bạch chuyển dạ nhưng không thể nào đẻ được; bí quá, ông Cọp Bạch liền lao nhanh xuống chân núi, chạy thẳng vào xóm Đồng Bò vồ lấy bà mụ trong làng, rồi đưa thẳng lên núi, đến hang của mình. Người trong làng không ai kịp trở tay, chỉ biết thắp nhang vái ông Cọp đừng ăn thịt bà mụ và sự thật đúng vậy. Sau khi bà mụ giúp “mẹ tròn con vuông”, ông Cọp Bạch đã đưa bà mụ nguyên vẹn trở lại nhà và đêm đó còn đặt trước sân nhà bà một con heo rừng để tạ ơn. Sau khi bà mụ qua đời, những ngày cuối chạp mỗi năm, người dân Đồng Đò thường nhìn thấy dấu chân ông Cọp Bạch từ hướng núi Mỹ Dự qua sông Bình Bá ra cửa biển Tiên Châu, rồi xuống Hòn Bù để viếng mộ bà mụ. Cũng từ đó, vùng đất này không hề còn cảnh cọp beo, thú dữ kéo về quậy phá. Cuối đời, ông Cọp Bạch xuống nằm dưới chân núi rồi sau đó chết tại vùng Bình Thạnh này. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân, người dân trong vùng đã xây Miễu Ông Cọp để tôn thờ…
Từ trên cầu, trải rộng tầm nhìn, sắc màu cuộc sống nơi đây đẹp một cách yên bình. Đàn vịt líu ríu xô nhau dưới chân cầu; Các cậu bé mặt tươi rói nô đùa tắm sông; Xa xa là những con thuyền nhỏ đang giăng lưới; Hay những khuôn mặt hiền hậu xứ Nẫu vớt giọt mồ hôi rịn trên trán của những bà mẹ tần tảo đạp xe qua cầu, nhỏ bé và liêu xiêu hút theo chiếc cầu trải dài xa tít… Bạn chắc chắc sẽ “lỗi nhịp trái tim” trước hình ảnh ấy!
Từ đầu cầu bên này sang đến đầu cầu bên kia chỉ mất 5 phút lái xe, nhưng không ít bạn trẻ cũng phải “nín thở” khi lướt nhẹ tay ga trên cây cầu này. Những ván cầu cũ – mới lô xô, đan xen nhau không đều do trải qua nhiều đợt tu sửa, mỗi lần xe qua lại, mặt cầu lại phát ra những tiếng lộc cộc, lộc cộc “hù” những người yếu tim. Cũng chính vì vậy, các “phượt thủ” khi đặt chân đến đất “hoa vàng cỏ xanh” thường sẽ “truy lùng” cây cầu gỗ hiếm hoi còn sót lại này để thử thách tay lái của bản thân. Còn bạn thì sao?
Lựa chọn của các tay săn ảnh và team “sống ảo” lại là check-in ngay đầu cầu, hoặc thong dong thả bước dọc theo chiều dài của cầu, để lưu lại những khoảnh khắc tưởng như bình dị nhất nhưng lại là những khoảnh khắc đẹp tự nhiên nhất, dễ gây thương nhớ nhất
Với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, góc chụp từ trên cao để lại ấn tượng hơn cả với hình ảnh chiếc cầu đơn sơ trải dài xa tít giữa mênh mang sông nước và mây trời.
Nhưng chỉ khi đứng trên cây cầu gỗ Ông Cọp, hít căng làn gió biển mặn mà, râm ran cái nắng miền trong, và phóng tầm mắt ra xa hai bên bờ của cầu, bạn mới thực sự cảm nhận được vẻ đẹp hút hồn của sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người nơi đây.
Đến với Phú Yên, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội để chiêm ngưỡng và trải nghiệm một lần trên cây cầu gỗ Ông Cọp nức danh này nhé! Sẽ rất thú vị đó!!!
Nguồn: Sưu tầm