Ba địa danh được UNESCO công nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu cũng chính là các điểm đến hút du khách trong và ngoài nước check-in.
Nếu muốn khám phá điểm đến tự nhiên không chỉ có cảnh quan kỳ vĩ mà còn chứa đựng những dấu ấn về lịch sử phát triển Trái Đất, các công viên địa chất toàn cầu của Việt Nam sẽ là nơi dừng chân lý tưởng cho bạn.
Không chỉ có vẻ đẹp tự nhiên ấn tượng, các địa danh này còn hấp dẫn du khách với bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng cư dân và đa dạng đặc sản địa phương.
1.CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN TỈNH HÀ GIANG
Ngày 3/10/2010, cao nguyên đá Đồng Văn trở thành công viên địa chất toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam và thứ 2 ở Đông Nam Á. Năm 2014 và năm 2019, UNESCO tái công nhận nơi đây là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu giai đoạn 2015-2018 và 2019-2022.
Trải dài qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, công viên địa chất này là địa điểm du khách nhất định phải khám phá khi có chuyến phượt Hà Giang. Có niên đại từ kỷ Cambrian, cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua 7 thời kỳ địa chất khác nhau với những dấu vết còn lưu lại trong các di chỉ cổ sinh vật học, địa tầng, địa mạo, karst, hang động…
Nơi đây có diện tích hơn 2.350 km2, độ cao trung bình 1.400-1.600 m so với mực nước biển, nổi bật với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu, hẹp, những vách núi dựng đứng cao vút, các vườn đá độc đáo….
Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có khoảng 160 điểm di sản địa chất thuộc 30 cụm di sản địa chất đã được xác định, phân bố trên các huyện thuộc phạm vi công viên. Ngoài ra, hiện còn nhiều di sản hang động, di sản hóa thạch trong các tầng đá trầm tích ở đây chưa có điều kiện nghiên cứu, đánh giá. Các địa điểm như hẻm vực Khe Lía, điểm quan sát toàn cảnh Mã Pì Lèng, dốc Thẩm Mã, cổng trời Quản Bạ… thu hút đông du khách khám phá.
Đến đây du khách không chỉ khám phá vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên, mà còn có thể hòa nhập vào cuộc sống dân cư vùng núi cao Hà Giang. Cộng đồng 17 dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Nùng… tại vùng núi cao Đồng Văn vẫn còn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo riêng, kho tàng những điều thú vị để bạn khám phá.
2.CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT NON NƯỚC CAO BẰNG TỈNH CAO BẰNG
Ngày 12/4/2018, Công viên địa chất non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu thứ 2 của Việt Nam (sau Công viên đá Đồng Văn) và thứ 5 của Đông Nam Á.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, của những dấu tích lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất với các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản…, đặc biệt là các cảnh quan đá vôi, là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của Trái Đất và nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Công viên địa chất non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3275 km2, nằm trên địa bàn của 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay…là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt:
- Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài
- Di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo – nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay;
- Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An gồm 4 cụm di tích: Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, xã Đức Long; Cụm di tích cứ điểm Đông Khê, thị trấn Đông Khê; Cụm di tích Khau Luông, xã Đức Xuân; Cụm di tích Cốc Xả – điểm cao 477, xã Trọng Con.
Công viên địa chất non nước Cao Bằng nổi tiếng với phong phú các giá trị đa dạng sinh học cùng nhiều hệ sinh thái, giống loài động thực vật đặc hữu. Với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao… và đặc biệt Thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.
Thác Bản Giốc
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó
3.CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT ĐẮK NÔNG TỈNH ĐẮK NÔNG
Ngày 7/7/2020, Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu thứ 3 của Việt Nam (sau Công viên đá Đồng Văn và Công Viên non nước Cao bằng).
Công viên địa chất Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn. Là một phần của cao nguyên M’Nông nên thơ, hùng vĩ, với tổng diện tích khoảng 4.760 km2, với ranh giới trải dài trên 5 huyện và 1 thị xã gồm huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa.
Vùng đất Đắk Nông cách đây 140 triệu năm vẫn còn nằm dưới đáy biển, các dấu tích còn tồn tại đến ngày nay là đá trầm tích, hóa thạch cúc đá và nhiều loại hóa thạch khác. Về sau, do các vận động kiến tạo của lớp vỏ Trái đất, nơi đây được nâng lên cao, trở thành đất liền và xuất hiện các núi lửa. Dung nham từ các đợt phun trào của núi lửa đã bao phủ đến một nửa diện tích của vùng đất này, hình thành nên vùng đất đỏ bazan rộng lớn trù phú, màu mỡ. Cho đến cách đây 10.000 năm, núi lửa vẫn còn hoạt động ở khu vực này, tạo nên hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, nhiều dấu tích cư trú của người tiền sử có niên đại hàng chục nghìn năm đã được tìm thấy trong các hang động này.
Công viên địa chất Đắk Nông vốn là nơi sinh sống của 3 dân tộc bản địa là M’Nông, Mạ và Ê Đê, với những nét văn hóa độc đáo về trang phục, ẩm thực, làng nghề, lễ hội, sử thi… Từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều dân tộc phía Bắc đã di cư đến Đắk Nông lập nghiệp, nên nơi đây trở thành vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc anh em.
Công viên địa chất Đắk Nông được thành lập năm 2015 với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m: các di sản địa kiểu cổ sinh như các hóa thạch Cúc đá, các khuôn cây trong đá bazan; có các dãy núi cao phân bậc địa hình, các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Trúc, hồ Tây… các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Chư R’luh, Nâm Kar, Băng Mo…. và hệ thống các thác nước đẹp, hùng vĩ như thác Gia Long, thác Băng Rúp, Dray Sáp…
Công viên địa chất Đắk Nông còn là khu vực có bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – đáng chú ý nhất là việc phát hiện bộ đàn đá cổ chế tác từ đá bazan có niên đại ba nghìn năm, một trong số những nhạc cụ cổ nhất của nhân loại; di tích cấp quốc gia đặc biệt Đường mòn Hồ Chí Minh và 5 di tích cấp quốc gia khác như: Ngục Đắk Mil, Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh, Địa điểm Chiến thắng Đồi 722 – Đắk Sắk, Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.
Một số điểm tham quan thuộc công viên mang vẻ đẹp khác lạ và thu hút khách check-in như vườn quốc gia Tà Nùng, thác Liêng Nung, cụm thác Đ’ray Sáp, Trinh Nữ, Gia Long và vườn quốc gia Yok Đôn…
Thác Liêng Nung
Hồ Tà Nùng
(Nguồn: tổng hợp)