Khu du lịch đường hầm đất sét Đà Lạt là một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ nhất. Đây là đường hầm đất sét đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
GIỚI THIỆU
Đường hầm điêu khắc có chiều dài 2km với chi phí lên tới 200 tỷ đồng. Được khởi công xây dựng từ năm 2010 đến năm 2012 thì hoàn thành.
Đường hầm đất sét có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Đường hầm điêu khắc, Đường hầm đất đỏ, Làng đất sét… nhưng dù với bất cứ tên gọi nào thì nơi đây cũng kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng của du khách để tìm đến khám phá. Chủ nhân của Đường hầm đất sét là anh Trịnh Bá Dũng, người có niềm đam mê lớn với những công trình kiến trúc cổ ở Đà Lạt.
Ảnh: leanhdung1990
Sau 4 năm nghiên cứu, anh Trịnh Bá Dũng đã tìm ra công thức biến đất sét bazan thành một chất liệu mới có màu sắc độc đáo và đặc biệt thân thiện với môi trường. Đường hầm đất sét chính là sự đột phá đỉnh cao về chất liệu khi xây dựng nên nó là một hỗn hợp có độ bền tương đương với bê tông.
Ảnh: phuong.lynh
Theo anh Trịnh Bá Dũng cho biết, công trình điêu khắc nghệ thuật này được tạo nên dựa vào hai ý tưởng là tái hiện lại một Đà Lạt từ thuở ban sơ và một Đà Lạt là thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Việt Nam.
“Đường hầm điêu khắc” gồm ba đoạn, là câu chuyện dài kể về lịch sử Đà Lạt xưa và nay.
Đoạn một, kể về Đà Lạt từ thời hồng hoang đến năm 1893 (Yersin khám phá cao nguyên LangBiang). Đoạn này được chạm khắc những truyền thuyết về thiên nhiên hoang dã, núi-rừng, rồng-rắn, rùa-kiến, voi-hổ, thác-hồ, sông-suối, người bản địa xưa…
Đoạn hai, là câu chuyện về lịch sử Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 – 1975) với những kiến trúc độc đáo được khắc họa tinh xảo hai bên vách hầm. Đó là, các công trình Ga xe lửa, Dinh Bảo Đại, Trường Lycée Yersin, Viện Pasteur, Đại học Đà Lạt, Khách sạn Palace, Nha Địa dư, Nhà thờ Con Gà, Giáo hoàng học viện, Chùa Linh Sơn, Hồ Xuân Hương, Cầu Ông Đạo, Lò Nguyên tử, Chợ Đà Lạt, ôtô cổ… cùng hoa Phượng tím, Mai Anh đào, Mimosa khoe sắc trong đường hầm, tạo cảm giác thực và mơ, “Phố trong hầm, hầm trong phố” rất đặc trưng Đà Lạt.
Ảnh: ptenchiknadya_1
Đoạn ba, là câu chuyện kể về Đà Lạt từ ngày giải phóng (3/4/1975) đến nay (mở rộng 8,5 lần, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch 2030 tầm nhìn 2050).
Ảnh: ceciliaxcao
KỶ LỤC
Đường hầm đất sét còn được nhận 2 kỷ lục Việt Nam. Đó là kỷ lục ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên và ngôi nhà bazan đầu tiên có mái đắp nổi bản đồ Việt Nam:
Với kỷ lục đầu tiên, đường hầm đất sét gây ấn tượng với chất liệu độc đáo. Toàn bộ công trình không sử dụng đất nung nhưng vẫn tạo ra những màu sắc từ đậm tới nhạt khác nhau. Đó là nhờ công sức sau 4 năm nghiên cứu của anh Trịnh Bá Dũng – chủ nhân đường hầm. Anh đã trộn đất sét với thứ nguyên liệu đặc biệt để tạo ra những gam màu độc đáo và hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Với kỷ lục thứ hai thì ngôi nhà bazan có diện tích lên tới 90m2. Ấn tượng nhất là bản đồ Việt Nam khắc nổi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công trình này mang tinh thần tự tôn dân tốc và mang tính nhân văn cao mà anh Dũng muốn truyền bá đến các thế hệ sau.
HỒ VÔ CỰC – ĐIỂM CHECK IN MỚI TRONG ĐƯỜNG HẦM ĐẤT SÉT
Nhận thấy phải thay đổi để phát triển phù hợp với xu thế, đường hầm đất sét cũng không để mình lạc hậu. Vào năm 2019, đường hầm gây ấn tượng mạnh mẽ với hai bức tượng thể hiện tình yêu của nàng H’biang và chàng K’lang. Hai bức tượng khổng lồ được đặt trong khuôn viên của một hồ nước nên người ta gọi là hồ vô cực.
Ảnh: crystal_huyen_trang
THÔNG TIN KHÁC
- Địa chỉ Đường Hầm Đất Sét: Đường Hoa Hồng, Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm, phường 4, Đà Lạt.
- Mở cửa: 7h30 – 17h00
- Giá vé: 120,000 vnd/người lớn; 50,000 vnd (Trẻ em dưới 1m2)
(Nguồn: tổng hợp)