Thác Datanla nằm trong khu du lịch Đatanla rộng 312 ha, cách thác Prenn 8 km và thành phố Đà Lạt 10km. Thác có đô cao khoảng 20 mét so với mực nước.
GIỚI THIỆU
Tên gọi “Đatanla” hay “Đatania” theo tiếng K’Ho ghép lại từ “Đạh-Tam-N’ha” có nghĩa là “dưới lá có nước”, và có liên quan đến cuộc xung đột Chăm – Lạch – Chil hồi thế kỷ XV – XVII.
Thác Datanla có lượng nước dồi dào do thượng nguồn là nguồn nước ổn định. Thác Datanla không ồn ào do chảy qua nhiều thềm đá. Thác đổ từ ghềnh cao 20m, nước suối phần dưới tạo thành khu vực nước rất trong nên gọi là Suối Tiên, phần sâu hun hút phía trên có một vực sâu gọi là Vực Tử Thần.
Năm 1998, thác Datanla đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa.
TRUYỀN THUYẾT
Truyền thuyết thứ 1
Đatanla là nơi dũng sĩ K`Lang và nàng sơn cước Hơbiang gặp nhau. Nơi đây, chàng Lang đã giao chiến với bầy thú dữ gồm hai con rắn hổ tinh, bảy con chó sói và hai con cáo. Truyên kể của đồng bào dân tộc còn ghi lại rất rõ trận đánh ấy: “Cây đổ ào ào, gió cuồng lên dữ dội, cuộc giao tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Lợi dụng lúc hai con rắn lè lưỡi, Lang rút dao đi rừng chặt đứt bay 2 lưỡi của rắn, rồi lấy 9 mũi cung tên bắn vào bầy chó sói và cáo làm chúng bỏ chạy tán loạn…”. Khoảng rừng cây bị đổ phá tạo nên những hố sâu mà một trong những hố sâu ấy là “Vực Tử Thần” ở chân thác. Từ đó Đatanla là nơi hẹn hò của đôi tình nhân.
Truyền thuyết thứ 2
Truyền thuyết kể rằng, Đatanla còn là thác mà các nàng tiên thường hay xuống tắm vì có dòng nước trong vắt, được che phủ bởi nhiều tầng lá. Vì không biết là dưới lá có nước, nên khi phát hiện ra con thác, bà con dân tộc thiểu số đặc tên cho nó là “Đạ Tam Nnha” có nghĩa là “dưới lá có nước”. Sau này khi người Pháp và người Kinh đặt chân lên vùng cao nguyên đầy trữ tình này thì biến âm thành Đatina rồi là Đatanla
Truyền thuyết thứ 3
Có truyền thuyết kể lại rằng, vào thời Pôrêmê, người Chăm từ Panduranga (Phan Rang) thường kéo lên tấn công người Lạt, người Chil ở cao nguyên Lang Biang để giành đất và bắt nô lệ. Trong lúc người Lạch sắp thua vì thiếu “cái nước” thì tình cờ họ phát hiện ra dòng thác này và có nước uống, nên người Lạt đã chiến thắng và bảo vệ được buôn làng. Còn người Chăm thua vì họ không biết “dưới lá có nước”. Từ đó bà con bộ tộc Lạt đặt tên là “Đạ Tam Nnha” (dưới lá có nước) để nhắn nhủ với con cháu sau này.”
KHU VUI CHƠI TRONG KHU DU LỊCH THÁC DATANLA
Khu du lịch DATANLA hiện tại có 3 dịch vụ chính – 3 khu hoàn toàn riêng biệt:
- Khu thăm quan: 50.000đ/người lớn, 25.000đ/trẻ em
Mở cửa: 7h30 – 17h. Trong khu này có Xe trượt thác 1, giá vé:
- Trẻ em: 60.000đ/khứ hồi, 50.000đ/một chiều
- Người lớn: 100.000đ/khứ hồi, 80.000đ/một chiều
Đường trượt dài ấn tượng 1000m, được cải tiến công nghệ mới nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Điểm kết thúc đường trượt ngay chân thác 1 – ngọn thác đẹp và hùng vỹ bậc nhất ở Datanla, chỉ với thời gian từ 1,5-2 phút.
- Khu xe trượt mới (Xe trượt thác 3)
Mở cửa: 7h30 – 17h. Không mua vé thăm quan, chỉ cần mua vé Xe trượt thác:
- Trẻ em: 100.000đ/khứ hồi
- Người lớn: 170.000đ/khứ hồi
Nằm tại cổng trên của KDL Thác Datanla. Đây là xe trượt dài nhất Đông Nam Á, với chiều dài 2340m kỷ lục. Xe trượt có nhiều đường uốn lượn quanh co đầy thích thú.
- Khu đu dây mạo hiểm High Rope Course
Đây là loại hình trò chơi mạo hiểm, có phần giống các hoạt động huấn luyện trong quân đội. Trò chơi gồm 6 cấp độ với 80 loại trò chơi khác nhau. Bố trí từ dễ đến khó, phù hợp với thể chất, sức khoẻ và tâm ký của từng đối tượng tham gia. Toàn bộ trò chơi diễn ra ở độ cao từ 3 đến 50m.
- Thời gian bắt đầu chơi: 7h
- Thời gian kết thúc nhận khách: 14h
- 7h – 9h : Giá vé cho người lớn 270,000 vnd và giá vé cho trẻ em là 150,000 vnd
- 9h – 14h: Giá vé cho người lớn 350,000 vnd và giá vé cho trẻ em là 200,000 vnd
- Thời gian chơi: 120 phút
(Nguồn: tổng hợp)