Đi dọc chiều dài đất nước Việt Nam, bạn sẽ phát hiện ra rằng dù ở vùng miền nào cũng đều không thể thiếu hình ảnh chùa chiền. Hình ảnh ấy dường như ăn sâu vào tiềm thức và nhẹ nhàng đi vào cuộc sống của người dân Việt Nam.
Chùa chiền ở mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng, dấu ấn riêng.
Hãy cùng Du lịch Đại Lục ghim lại những tháp chùa nổi tiếng từ Bắc chí Nam được ghi nhận trong danh mục kỷ lục Việt Nam nhé!
CHÙA BỔ ĐÀ (Bắc Giang)
Địa chỉ: Đường đê, Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang
Chùa Bổ Đà còn được gọi là chùa Bổ hay chùa Tam Giáo, chùa có tên chữ là Tứ Ân tự. Chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng, bờ tả dòng sông Cầu (Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang).
- Ngôi chùa nổi tiếng bởi khu vườn tháp đẹp và lớn nhất trong cả nước gồm 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau.
- Hệ thống tháp mộ được chia thành 2 khu vực: phía trên là tháp Sư Tăng, phía dưới là tháp Sư Ni và khu vực thấp hơn dành để xây mộ cho những người chấp tác trong chùa. Với 110 toà tháp có đến 97 tháp, mộ có xá lị, tro, cốt nhục thân của 1214 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng thiền Lâm Tế khắp nơi trên cả nước.
- Các ngôi tháp được xây 3-4 tầng bằng đá và gạch chỉ, được bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản.
- Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra một trong những điểm độc đáo khác biệt ở vườn tháp này đó là: Tất cả các tháp đều có cửa dạng cuốn vòm nhìn về hướng Đông Bắc.
CHÙA BÁI ĐÍNH (Ninh Bình)
Địa chỉ: Xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Chùa Bái Đính cách trung tâm thành phố Ninh Bình 15km, thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn.
Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
Chùa có Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á:
- Tọa lạc ở phía Tây điện Tam Thế thuộc khu chùa Bái Đính mới, Bảo tháp Xá lợi bao gồm 13 tầng tháp với chu vi theo hình lục giác là 24m và chiều cao 99m.
- Kiến trúc của Bảo tháp mang đậm dấu ấn Phật giáo thời nhà Lý. Tầng cao nhất của tháp là nơi bảo tồn và thờ Xá Lợi của Phật được cung nghênh từ Ấn Độ về.
Chùa có Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á
- Đó là Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên toà sen và niệm hoa sen ở Chánh điện trong điện thờ Pháp chủ của chùa.
- Tượng cao 10m, nặng 100 tấn bằng đồng nguyên chất dát vàng, đặt trên bệ cao 1,5m.
- Đây được coi là một trong những biểu tượng của chùa Bái Đính.
Chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á
- Hành lang La Hán của chùa Bái Đính có chiều dài lên đến gần 3km, trưng bày các bức tượng của các vị La Hán bằng đá.
- Từ nhà gỗ Tam Quan theo hai hướng Đông và Tây dọc đến Tả vu và Hữu vu chùa, mỗi bên gồm 117 gian hành lang.
- Mỗi dãy hành lang La Hán tại chùa Bái Đính có kiến trúc từ thấp lên cao với 22 bậc, mỗi bậc cao 1.35m, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ.
Chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á
- Pho tượng Đức Phật Di Lắc an vị trên một ngọn đồi ở bên phải điện thờ Tam Thế Phật của chùa Bái Đính.
- Khu vực đặt tượng cao 10m, nặng 80 tấn và là địa điểm chụp ảnh nổi tiếng không thể bỏ qua của du khách khi đến đây.
Chùa có Chuông đồng lớn nhất Việt Nam
- Mang tên là Đại Hồng chung, quả chuông này nặng đến 36 tấn, cao 5.5m, đường kính 3.7m đặt trong Tháp Chuông của chùa, được dùng trong việc kinh kệ và thờ phụng.
- Chuông được đúc hoàn toàn từ đồng đỏ sản xuất trong nước, trên thân có nhiều hoa văn, họa tiết mô phỏng từ các chuông cổ, nổi rõ lên là những chữ Hán được khắc theo chủ đề Phật giáo.
CHÙA THIÊN MỤ (Huế)
Địa chỉ: Hương Hòa, Thành phố Huế
Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ là một ngôi chùa cổ nép mình bên dòng sông Hương thơ mộng. Đây là điểm check-in nổi tiếng tại Huế.Nổi bật giữa ngôi chùa là tháp Phước Duyên có hình khối bát giác cao 21m, được xây dựng năm 1844.
- Tòa tháp có bảy tầng và từ tầng thứ 2 trở lên đỉnh có bậc thang đi lên theo hình xoắn ốc. Bảy tầng này thờ 7 vị Phật khác nhau, lúc trước bằng vàng y. Tượng Phật ở tầng trên cao lớn hơn tượng Phật ở tầng thấp.
- Chính diện của tòa Tháp hướng về phía Nam, nơi có dòng sông Hương chạy qua. Công trình được ghi nhận vào Sách Kỷ lục Việt Nam là tháp bát giác cổ cao nhất.
CHÙA LINH PHƯỚC (Lâm Đồng)
Địa chỉ: Trại Mát, Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng
Chùa Linh Phước cách trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 8km.
Chùa còn được gọi là Chùa Ve Chai vì các công trình trong khuôn viên của chùa đều được khảm các mảnh sành, sứ, mảnh chai bên ngoài. Tại khu Hoa long viên (sân chùa), nổi bật là bức tượng hình rồng dài 49m, rộng 1.3m. Để tạo nên đường nét uốn lượn cho thân rồng, người ta không trạm trổ trên bê tông mà dùng đến 50.000 vỏ chai bia để làm thân rồng. Miệng rồng che phủ đầu tượng phật Di Lặc.Trước Hoa Long Viên là tòa Linh Tháp 7 tầng cao hơn 37m, được coi là tháp chuông chùa cao nhất Việt Nam.Trong lòng tháp treo Đại Hồng Chung cao 4.3m, miệng chuông rộng 2.33m, nặng 8.500 kg, được đúc vào năm 1999, hiện chỉ đứng sau chiếc chuông nặng nhất Việt Nam của Chùa Bái Đính – Ninh Bình.
Ngôi chùa thu hút khách ghé thăm nhờ nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
PHÁP VIỆN MINH ĐĂNG QUANG (Thành phố Hồ Chí Minh)
Địa chỉ: số 505 Xa lộ Hà Nội, An Phú, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Pháp viện Minh Đăng Quang (TP Thủ Đức) có kiến trúc độc đáo với 4 ngôi tháp cao bao quanh chính điện của hệ phái Khất sĩ.Nơi đây được Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác lập 4 kỷ lục. Trong đó có danh hiệu ” Ngôi tịnh xá có bốn bảo tháp lớn nhất Việt Nam“.
- Từ cổng tam quan vào là 4 bảo tháp có thiết kế đối xứng hai bên: Hai bảo tháp phía trước hình bát giác, mỗi tháp gồm 9 tầng, cao 37 m; Hai bảo tháp phía sau hình tứ giác, mỗi tháp gồm 13 tầng, cao 49 m.
- Các bảo tháp là nơi tôn trí thờ các vị Phật và người sáng lập hệ phái Khất sĩ hoặc làm chức năng thư viện, lưu trữ các tài liệu Phật giáo, kinh pháp…
CHÙA VIÊN GIÁC (Thành phố Hồ Chí Minh)
Địa chỉ: 193 Bùi Thị Xuân, Phường 1, Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh
Chùa Viên Giác tọa lạc trong một con đường nhỏ thuộc phường 1, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh.Diện tích của chùa Viên Giác không lớn, nhưng lại thu hút ở kiến trúc kiểu Á Đông đan xen chất Việt Nam một cách uyển chuyển và tinh tế, với hệ thống kèo cột, rui mè đỡ mái, ô cửa tròn, tường bao lượn sóng, mái ngói cong, gam màu vàng và nâu trầm, đỏ gạch làm chủ đạo… Điểm nhấn của chùa Viên Giác chính là tháp xá lợi Đẳng Quan khánh thành vào tháng 4/1999, được coi là ngôi bảo tháp bằng gốm sứ cao nhất Việt Nam.
- Tháp hình bát giác, cao 22m, gồm 3 tầng có hình bát úp trên hoa sen phía trên và 7 mái nhỏ tượng trưng 7 cõi trời.
- Tầng nền có họa tiết hoa sen cách điệu trên nền men trắng.
- Ở tầng 1, bên ngoài khắc hình Thập bát La Hán, mỗi vị la hán trên một miếng gạch sứ.
- Đặc biệt tháp được sử dụng hoàn toàn gốm sứ Việt Nam do các cơ sở trong hệ thống gốm sứ Minh Long và Bát Tràng sản xuất.