Nếu có dịp ngao du dọc miền Trung của dải lụa hình chữ S, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi những ngôi đền, tháp của người Chăm Pa cổ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay dù đã trải qua sự tàn phá tàn khốc của thời gian.
Trong đó, Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang – Khánh Hòa được các nhà khảo cổ học đánh giá là vẫn còn giữ khá nguyên vẹn những nét nghệ thuật điêu khắc đến những nền văn hóa của Vương quốc Chăm Pa cổ một thời.
Tháp Bà Ponagar cũng là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm Nha Trang xinh đẹp.
Chuyện kể rằng…
Tháp Bà Ponagar được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII dưới vương triều Panduranga thuộc vương quốc cổ Chămpa. Xưa kia, nơi đây là một trong những trung tâm tôn giáo của Vương quốc Chăm Pa, thờ nữ thần Ponagar – Người Mẹ xứ sở của dân tộc Chăm và cũng là Thiên Y Thánh Mẫu của cộng đồng dân cư trong khu vực.
Huyền thoại kể về Nữ thần Ponagar – Thiên Y A Na chính là sự giao thoa và tiếp biến giữa văn hóa Chăm và văn hóa Ấn Độ. Bên cạnh đó, đây cũng chính là sự Việt hóa và sự tiếp nhận tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức của người Việt mang theo đến vùng đất mới.
Di sản độc đáo giữa lòng thành phố
1. Vị trí
Tháp Bà Ponagar nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cạnh sông Cái, cao khoảng 50m so với mực nước biển, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía bắc.
Từ trên đỉnh Tháp Bà nhìn ra phía cửa biển là một khung cảnh thanh bình tuyệt đẹp của thành phố biển Nha Trang.
2. Tổng thể kiến trúc:
Tháp Bà Ponagar Nha Trang là quần thể kiến trúc Chăm Pa lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Tất cả được chia ra thành 3 tầng mặt bằng: Khu vực Tháp Cổng, Khu Mandapa (tiền đình) và cuối cùng là Khu đền tháp.Tuy nhiên, do biến động của lịch sử, bạn gần như không thể tìm thấy dấu tích khu tháp cổng xưa kia.
Khu Mandapa và khu đền tháp vẫn là điểm tham quan chính dành cho du khách.
Khu Mandapa (tiền đình):
- Khu vực này gồm bốn hàng cột lớn xây bằng gạch nung: 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài.
- Các nhà nghiên cứu cho rằng đây có thể là nơi các tín đồ chuẩn bị các lễ vật trước khi lên hành lễ ở các đền tháp phía trên.
- Đi lên hành lễ ở các đền tháp phía trên, các tín đồ phải đi theo các bậc rất dốc. Họ phải đi như bò, và khi xuống phải đi lùi quay lưng xuống bên dưới. Cách đi như vậy có thể để thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần được thờ ở trên.
- Trải qua thời gian, lối đi này đã bị sạt lở, khó đi hơn nên người xưa mở đường bên cạnh, men theo sườn đồi lên tháp, đường mới này ít dốc hơn, dễ đi lại với các bậc xây bằng đá chẻ.
Khu đền tháp
Tiếng Chăm gọi là các Kalan, theo tiếng Việt có nghĩa là đền, tháp.
Khuôn viên khu đền thờ hiện còn 4 ngôi tháp với những kích cỡ, hình dáng khác nhau.
- Tháp Đông Bắc: Tháp cao khoảng 23m. Đây là ngôi tháp lớn nhất nơi thờ Nữ thần Ponagar (Thiên Y A Na Thánh Mẫu) được lấy làm tên gọi chung cho cả quần thể di tích và với tín ngưỡng của người Việt gọi là tháp Bà.
- Tháp ở giữa là tháp Nam, cao 18m, nơi thờ thần Cri Cambhu (là một tên gọi khác của thần Shiva). Người Việt gọi là tháp Ông, thờ Thái tử chồng bà Thiên Y A Na.
- Ngôi tháp nhỏ nhất phía ngoài cùng là tháp Đông Nam. Tháp xây đơn giản, cao 7,1m và hình dáng bên ngoài đã bị hư hại nhiều. Tháp thờ thần Skandha – con thần Shiva là vị thần tượng trưng cho sức mạnh, chiến tranh. Theo truyền thuyết của người dân địa phương tháp thờ ông bà Tiều là cha mẹ nuôi của Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
- Phía sau tháp chính là tháp Tây Bắc. Tháp cao 9m, là ngôi tháp duy nhất còn khá nguyên vẹn về kiến trúc và trang trí. Đây là tháp thờ thần Ganesha – vị thần biểu tượng của may mắn, trí tuệ và hạnh phúc. Theo truyền thuyết của người dân địa phương, tháp thờ Cô, Cậu (con của bà Thiên Y A Na).
Đặc biệt, trong kiến trúc đền tháp của văn hóa Chămpa không thể thiếu được biểu tượng Linga và Yoni làm bằng đá được thờ trong lòng tháp và gắn trên đỉnh tháp với ý nghĩa khát vọng về một cuộc sống sinh sôi, hạnh phúc.
Trong khuôn viên và trong phòng trưng bày nơi đây, bạn sẽ tìm thấy những hình ảnh đặc trưng của nền văn hóa Chăm Pa cổ xưa.
Và không thể thiếu những góc check-in ấn tượng.
3. Lễ hội Tháp Bà Ponagar
Tháp bà Ponagar là tháp Chăm duy nhất còn duy trì các hoạt động tín ngưỡng thường xuyên.Lễ hội Tháp Bà Ponagar còn gọi là Lễ vía Bà thường được tổ chức từ ngày 20-23 tháng 3 âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa múa, hát, cầu lễ,…
Đến đây, bạn sẽ có cơ hội được tìm hiểu thêm về nữ thần Ponagar và có dịp hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012.
4. Giá vé tham quan Tháp Bà Ponagar Nha Trang
Giá vé vào cổng tham quan Tháp bà Pongagar Nha Trang là 20.000 đồng/vé.
Và nếu bạn có tình cờ ghé Tháp bà Ponagar trong chuyến du lịch Nha Trang của mình mà trang phục của bạn chưa được phù hợp thì cũng không cần quá lo lắng nhé. Ban quản lý nơi đây có hẳn một khu nghỉ chờ và hỗ trợ trang phục khoác ngoài lịch sự.
Tháp bà Ponagar Nha Trang thực sự là một công trình kiến trúc ấn tượng và điểm đến hấp dẫn.
– Nguồn: Tổng hợp –