TẤT TẦN TẬT VỀ BIỆT ĐIỆN “ĐỆ NHẤT TRỜI NAM” TRẦN LỆ XUÂN

Khu Biệt điện Trần Lệ Xuân được biết đến bởi vẻ đẹp xa hoa, lộng lẫy cùng danh tiếng và uy quyền của chủ nhân. Khu Biệt điện nổi tiếng đến mức, sau cuộc đảo chính, lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, du khách đã đổ xô về Đà Lạt để chiêm ngưỡng.

GIỚI THIỆU

“Biệt điện” nổi danh từ đầu những năm 60 của thế kỷ 20, được xây dựng vào năm 1588, với diện tích khuôn viên lên tới 13.000m2, tọa lạc tại số 2 đường Yết Kiêu, thành phố Đà Lạt.

Theo “Văn khế chủ quyền”, thì bà Trần Lệ Xuân mua thửa đất để xây các biệt thự này của ông Nguyễn Văn Yên, một nghiệp chủ cư ngụ tại số 64 đường Lê Văn Định, Gia Định (TP.HCM ngày nay) vào ngày 14/9/1957, lấy tên là “biệt thự Blanche Naige”. Khi đó, đường Yết Kiêu mang tên Henri Maitre.

“Biệt điện Trần Lệ Xuân” là quần thể kiến trúc gồm 3 tòa biệt thự xa hoa lộng lẫy, từng là nơi sinh sống của gia đình ông cố vấn Ngô Đình Nhu (em trai ruột Tổng thống Ngô Đình Diệm) và đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân.

Nổi tiếng về vẻ bề thế, xa hoa, lộng lẫy, công trình này từng được mệnh danh là “Biệt điện đệ nhất trời Nam”. Với hàng chục vệ binh canh gác và túc trực liên tục, không ai có thể tự tiện đến gần khu vực này. Các thông tin và hoạt động ở khu biệt điện này đến nay vẫn còn là một ẩn số. Tất cả tin tức được bảo toàn nghiêm ngặt, hoàn toàn không có cơ hội truyền ra ngoài.

Nổi tiếng mệnh danh với “Đệ nhất trời Nam”, khu biệt điện này khắc hoạ được sự sang trọng và tráng lệ của cuộc sống thời bấy giờ. Đây được coi là bằng chứng sống động của đời sống vương giả quý phái của quan chức của chính quyền Ngô Đình Diệm trong thời kì đỉnh cao.

KIẾN TRÚC BIỆT ĐIỆN

1.”Biệt điện” gồm 3 tòa biệt thự Lam Ngọc, Bạch Ngọc, Hồng Ngọc:

1.1 Biệt thự Lam Ngọc có hai toà nhà nằm sát liền nhau. Có thể dễ dàng tìm thấy toà đầu tiên vì nằm ngay lối vào của biệt điện. Công trình này được thiết kế hướng ra đường Yết Kiêu. Đây là nơi sinh hoạt chính của gia đình ông cố vấn Ngô Đình Nhu và vợ là Trần Lệ Xuân, được thiết kế một cách hiện đại với phòng ngủ, phòng khiêu vũ, phòng hội họp, phòng tiếp khách…

Đặc biệt, biệt thự này còn có hầm trú ẩn bí mật trong phòng ngủ và đường hầm thoát hiểm hướng về sân bay quân sự Cam Ly. Đường hầm bằng sắt thép có thể chống đỡ được sức công phá của đạn B40, bên trong có một nơi trú ngụ sức chứa tầm 10 người.

Ngày nay, biệt thự được bày trí như một khu triển lãm. Bên trong bày biện tài liệu chứng minh đầy đủ về chủ quyền biển Đông, hay thông tin về vùng đất Đà Lạt từ thuở sơ khai…

1.2 Biệt thự Bạch Ngọc với thiết kế có quầy bar và lò sưởi lớn hình mái nhà rông Tây Nguyên ở chính giữa được dùng làm nơi vui chơi giải trí cho gia đình và cũng là nơi đón tiếp các vị khách ngoại quốc, các tướng lĩnh cao cấp của chính quyền Việt Nam cộng hòa.

Phía trước biệt thự Bạch Ngọc có một hồ bơi với hệ thống làm nóng hiện đại để phục vụ chủ nhân và quan khách trong điều kiện thời tiết lạnh giá của Đà Lạt. Hồ bơi này được Trần Lệ Xuân mời kiến trúc sư người nước ngoài thiết kế và xây dựng, chỗ cao nhất là 1m, nơi sâu nhất là 2,2 m. Đây là bể bơi nước nóng duy nhất của toàn miền Nam thời điểm đó. Ngày nay, khu vực hồ bơi đã được rút cạn và trở thành địa điểm phổ biến, được rất nhiều bạn trẻ chọn làm nơi “check-in” khi tới Đà Lạt.

1.3.Biệt thự Hồng Ngọc là căn nhỏ nhất. Có thiết kế nhà Pháp đặc trưng với cửa sổ chớp bên ngoài, cửa kính bên trong, tường xây dày để cách nhiệt cùng hệ thống lò sưởi rất đẹp. Ngôi biệt thự này được Trần Lệ Xuân đứng tên mua và sửa chữa cho thân phụ là ông Trần Văn Chương, khi đó là đại sứ của Việt Nam cộng hòa tại Mỹ. Nhưng ông Trần Văn Chương chưa kịp về ở thì diễn ra cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963.

2. Vườn hoa kiểu Nhật

Trong khuôn viên của biệt điện còn có khu vườn Nhật Bản. Để làm khu vườn này, Trần Lệ Xuân phải mời kiến trúc sư người Nhật Hiroshi Kitagawa thiết kế và thi công. Bên cạnh phong cách Nhật cầu kỳ, khu vườn còn có điểm nhấn là hồ nước với tạo hình đặc biệt, khi hồ đầy nước sẽ hiện rõ bản đồ Việt Nam hình chữ S. Giữa địa đồ thu nhỏ này còn có cả dải phân cách thể hiện Vĩ tuyến 17 chia cắt Bắc – Nam. Giấc mộng bá quyền cuồng loạn và mưu đồ chia cắt vĩnh viễn Tổ quốc Việt Nam đã theo người đàn bà quyền lực bậc nhất miền Nam một thời đến tận chốn hưởng lạc cuối tuần này

QUÁ TRÌNH TU SỬA

Vào thời điểm biệt điện mới được xây dựng, không gian xung quanh chỉ có một vài nóc nhà, nên khi đứng trên tầng hai của Bạch Ngọc phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy một khung cảnh nên thơ với những rừng thông trập trùng quanh năm sương phủ. Vì vậy, nơi đây từng được mệnh danh là khu nghỉ dưỡng “Đệ nhất trời Nam”.

Biệt thự Hồng Ngọc trước năm 1963. Ảnh Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính năm 1963, ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị thủ tiêu, Trần Lệ Xuân và các con phải sống lưu vong ở nước ngoài. Biệt điện bị tịch thu, sung công và giao cho Toà Thị chánh Đà Lạt quản lý và sau đó được chuyển giao cho Bộ Phát triển Sắc tộc làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên. Đến năm 1975, sau cuộc tháo chạy của chính quyền Việt Nam cộng hòa, không ít đồ vật quý giá đã bị trộm cắp, tẩu tán; các công trình kiến trúc bị đập phá. Biệt điện trở nên hoang tàn và chìm vào quên lãng.

Năm 2006, Bộ Nội vụ đã quyết định đầu tư hơn 53 tỷ đồng trùng tu khu biệt điện Trần Lệ Xuân làm cơ sở cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV

BIỆT ĐIỆN NGÀY NAY

“Biệt điện” mở cửa trở lại vào năm 2008. Đây chính là nơi bảo quản, lưu giữ 34.619 tấm Mộc bản cực kỳ quý giá của triều Nguyễn, được tạm chia thành hơn 100 đầu sách với nhiều chủ đề như: lịch sử, địa lý, chính trị – xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa – giáo dục, tôn giáo – tư tưởng – triết học, ngôn ngữ – văn tự; văn thơ. Chính Ngô Đình Nhu đã từng sưu tầm số Mộc bản này khi mới tốt nghiệp trường Ecole Nationale des Chartes – trường đào tạo lưu trữ viên cổ tự học danh tiếng của Pháp.

Theo tiến sĩ Đào Thị Diến (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I), trong công trình nghiên cứu “Ngô Đình Nhu – Nhà lưu trữ Việt Nam thời kỳ 1938 – 1946”, tính đến năm 2007, Ngô Đình Nhu là “người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tốt nghiệp Trường đào tạo cổ tự viên Ecole Nationale des Chartes”. Hiện nay, trong các chuyên đề lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, có một tiểu chuyên đề về “Ngô Đình Nhu – Nhà lưu trữ”. Xét ở khía cạnh văn hóa, đây là điều khá thú vị về Ngô Đình Nhu mà chắc chắn nhiều người chưa được biết đến từ trước tới nay.

Mộc bản triều Nguyễn chính là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán và chữ Nôm (chữ khắc ngược) kích thước trung bình 0,43m x 0,27m, dày từ 2 – 4 cm, mỗi tấm nặng chừng 300 – 400g. Được dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân y tuân. Đó cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc dã…

Tất cả các bản thảo nói trên đều được đích danh hoàng đế ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý.Mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận ngày 31/7/2009.

Trải qua chặng đường hơn 10 năm, không gian trưng bày tài liệu lưu trữ quý hiếm tại Khu Biệt điện Trần Lệ Xuân – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV trở thành điểm đến văn hóa, lịch sử tại thành phố hoa Đà Lạt. Và còn rất nhiều điều ẩn chứa trong kho tàng sử liệu vẫn chờ được khám phá và giải mã.

GIÁ VÉ THĂM QUAN

Giá vào cổng của khu vực này chỉ 30.000VND/ người, gửi xe 3.000đ/xe

 Đối tượng được miễn giảm vé

  • Người trên 60 tuổi (mang theo chứng minh nhân dân)
  • Người có công với cách mạng Việt Nam (có giấy tờ chứng nhận)
  • Trẻ em dưới 1m2

THỜI GIAN THĂM QUAN

Mở cửa tất cả các ngày trong tuần

  • Buổi sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Buổi chiều từ 13h30 đến 16h30

(Nguồn: tổng hợp)

Lý do chọn Du Lịch Đại Lục?

  • Đảm bảo giá cả hợp lý nhất
  • Chăm sóc khách hàng tận tâm
  • Các tour được lựa chọn kỹ càng
  • Bảo hiểm du lịch miễn phí

Bạn có thắc mắc?

Đừng ngần ngại gọi cho chúng tôi.

0936420418 hoặc Email cho chúng tôi, chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay với bạn.

sales@vietnamcontinental.com.vn

Bài viết nổi bật