1. VƯƠNG QUỐC GẠCH GỐM
Làng nghề làm gạch nung ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long) hình thành cách đây hơn 100 năm, trải dài tới 30km, trong đó xã Nhơn Phú và Mỹ An, huyện Mang Thít, là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch hơn cả. Đây là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.Thời hoàng kim – những năm 1980, cả “vương quốc” có trên dưới 1.000 cơ sở sản xuất với khoảng 3.000 miệng lò. Chi phí sản xuất lúc đó thấp do sử dụng than và trấu là chính. Theo các nghệ nhân truyền tai nhau, từ đầu thế kỷ 20, sản phẩm gạch ngói Mang Thít đã vượt trội về mặt chất lượng nhờ vào nguồn đất sét tự nhiên cùng kỹ thuật nung nấu đặc trưng. Cuộc sống của bà con làng nghề gắn liền với từng viên gạch nung đỏ, nhiều thế hệ trưởng thành, được ăn học chu đáo cũng nhờ vào gạch, gốm.Làng nghề thời hưng thịnh ngày nào cũng rực lửa, ghe chở hàng, ghe chở nguyên liệu đến và đi đậu kín cả dòng sông. Hầu hết sản phẩm tại đây đều được vận chuyển bằng ghe ngược xuôi đi khắp xứ, đồng thời còn xuất khẩu sang một số nước như Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan.
Tuy nhiên, “vương quốc lò nung” bắt đầu sụp đổ từ những năm 2000 bởi chi phí sản xuất quá cao, thói quen người tiêu dùng thay đổi. Do đó, số lượng đặt hàng gạch ngói đã bị giảm bớt đáng kể, nghề nung gạch dần bị mai một. Có rất nhiều cơ sở đã bán tháo, phá dỡ và hiện “vương quốc” này chỉ còn trên 1.000 lò tồn tại. Khi mặt trời chiếu lên những khối gạch xếp chồng, không gian ánh lên màu đỏ rực. Vì vậy, nơi đây được người dân gọi là “vương quốc đỏ”.Tham quan khu vực này, du khách sẽ được chứng kiến công đoạn làm ra các sản phẩm gốm mỹ nghệ, lựa chọn cho mình những món đồ ưng ý về trang trí hoặc làm quà.
Nếu bạn muốn đến làng gạch ở Vĩnh Long, bạn đi theo quốc lộ 53 rồi rẽ vào DT 903, chạy thẳng gặp ngã ba là đến đường DT 902 (dọc sông Cổ Chiên). Tại đây, bạn có thể hỏi thăm người dân địa phương để được hướng dẫn tuyến đường có nhiều.
2. VƯƠNG QUỐC LOÀI CHIM
Vườn quốc gia Tràm Chim có diện tích đất ngập nước lớn nhất vùng Đồng Tháp Mười với 7.313 ha, được thế giới công nhận là khu Ramsar – vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về mặt đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên. Tại đây sở hữu hơn 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, chim cổ rắn, cò ốc… Nơi đây được xem là “vương quốc” của các loài chim ở miền Tây.Vùng đất “sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng” này nổi bật với hệ chim nước giàu có gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim đã phát hiện ở Việt Nam. Hệ cá ở vườn quốc gia Tràm Chim cũng không kém phần phong phú, vừa đóng vai trò cân bằng sinh thái vừa là nguồn thức ăn cho các loài chim. Trong đó có một số loài cá nằm trong sách đỏ Việt Nam như: cá Còm, cá Mang hổ, cá Ngựa nam, cá Duồng bay, cá Ét mọi, cá Hô…
Mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (khoảng tháng 9 – 12 dương lịch) là mùa du lịch vườn quốc gia Tràm Chim. Bạn sẽ có dịp ngồi trên xuồng, len lỏi dọc theo những con kênh xanh mát, ngắm nhìn các loài chim bay lượn, cất tiếng gọi bầy.Vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 âm lịch (khoảng tháng 1 – 6 dương lịch) là mùa ngắm vũ điệu của sếu đầu đỏ ở vườn quốc gia Tràm Chim.Từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm là Mùa hoa Hoàng đầu ấn được xem là “đặc sản” xứ này. Hoa nở đồng loạt từ 11 giờ đến 14 giờ trong ngày, tạo thàng một thảm hoa vàng rực rỡ, nên thơ.Từ tháng Giêng và kéo dài khoảng 30-40 ngày, là mùa Hoa Nhĩ cán tím hay còn gọi là Rong ly tím, loại thủy sinh chìm, sinh sống những nơi có địa hình thấp và đất ngập nước phèn chua, thường xuyên lẫn trong quần xã sen súng.Từ Sài Gòn, bạn chỉ cần chạy thẳng theo cao tốc Trung Lương – Tân An – Tân Thanh. Khi đến ngã ba Mỹ An – Mộc Hóa thì các bạn rẽ vào Trường Xuân và chạy xe một đoạn nữa là sẽ đến thị trấn Tràm Chim. Khi đó bạn sẽ nhìn thấy nhiều biển chỉ dẫn đến vườn quốc gia Tràm Chim.
Mỗi du khách tới vườn trả phí tham quan là 20.000 đồng. Giá di chuyển xe điện trong vườn là 30.000 đồng. Với tham quan xuồng và tắc ráng (một loại ghe nhỏ) du khách chọn các tuyến tham quan dài 12km (giá 500.000 đồng) hoặc 21km (giá 800.000 đồng).
3. VƯƠNG QUỐC TRÁI CÂY
Nếu ĐBSCL được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” của cả nước thì Tiền Giang được xem là “Vương quốc” của “Vương quốc trái cây” với diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước trên 81.000 ha, cho sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn trái mỗi năm.Chính nơi đây có nhiều chủng loại trái cây đặc sản nổi tiếng, là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim,… Trong đó miệt vườn trái cây Vĩnh Kim hay Cái Bè là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất với những hàng cây sum suê, quả to mọng.Ngày nay, trái cây Tiền Giang có mặt khắp nơi, từ các bến cảng, sân bay để đến với thị trường châu Âu – Mĩ.
4. VƯƠNG QUỐC TRẦU LÁ
Hiện huyện Vị Thủy có gần 40ha trầu, trong đó xã Vị Thủy được xem là “Vương quốc trầu lá”. Chỉ có vùng Vị Thủy nước ngọt ven sông Hậu này trồng trầu mới đậm đà, ăn mới ngon, thắm môi, đỏ miệng. Làng Vị Thủy (Hậu Giang) có tuổi đời khoảng 50 năm với số lượng người trồng cứ lớn dần. Nơi đây có hơn 200 hộ dân trồng trầu, tập trung chủ yếu ở ấp 5, 7 và 8. Hộ có diện tích trồng trầu nhỏ nhất cũng khoảng 50-200m2, còn hộ có diện tích lớn nhất vào khoảng 2.000-3.000m2. Trầu chỉ ưa các loại phân hữu cơ chứ không thích hợp các loại phân hóa học. Bón phân hữu cơ, lá trầu thon thả và có màu xanh óng đượm chút vàng, trông đẹp mắt. Riêng nọc trầu được làm bằng cây tràm, vì vỏ tràm tạo điều kiện cho rễ dây trầu bám và phát triển tốt. Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người ưa thích.Sau 3-4 tháng xuống giống, dây trầu sẽ bắt đầu cho lá, cứ thế khoảng 10 ngày hái 1 lần. Trầu sau khi thu hoạch sẽ được xếp thành ốp (mỗi ốp 40 lá) rồi bán cho thương lái với giá 2.500-6.000 đồng/ốp, tùy thời điểm. Do trầu cho thu hoạch quanh năm nên sản phẩm này không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho chủ vườn mà còn tạo công ăn việc làm cho người hái trầu thuê. Những vườn trầu cũng thu hút khách du lịch tham quan nhờ vẻ đẹp xanh mát, bình dị.
5. VƯƠNG QUỐC CHÀ LÀ
Vườn chà là có quy mô lớn nhất miền Tây nằm tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Khu vườn rộng 4.000 m2, trên 10 năm tuổi với hơn 100 cây, tọa lạc trên đường Sa Nhiên – Ca Dao chỉ mới được mở cửa đón khách trong 2 năm trở lại đây, khi cây chà là cho trái đúng vào dịp hè. Trái chà là cho hương vị ngọt bùi và thơm.Cây chà là thường được trồng bằng hạt, tùy vào thổ nhưỡng ở mỗi nơi mà phải mất từ 5 năm trở lên thì cây mới có thể cho trái. Điểm đặc biệt ở cây chà là chính là mỗi năm cây chỉ ra trái một đợt vào mùa hè và kéo dài trong 2 tháng. Sau khi chín, trái sẽ rụng dần dần do đó muốn có những bức ảnh đẹp cần phải đi đúng vào thời điểm cây đang ra trái.Vườn mở cửa cho khách vào tham quan, chụp ảnh với giá vé 20 ngàn đồng/người. Ngoài việc tham quan, chụp ảnh bên những chùm chà là vàng ươm, khách tham quan còn được tự tay hái trái và thưởng thức hương vị của trái chà là đang chín mọng. Trái chà là khi chín sẽ chuyển từ màu vàng sang màu nâu, có vị ngọt thanh, nhiều du khách đều tỏ ra ấn tượng khi lần đầu thưởng thức hương vị của nó.
6. VƯƠNG QUỐC DỪA SÁP
Trà Vinh hiện có 276 hecta dừa sáp, nhiều nhất cả nước nên được gọi là “vương quốc dừa sáp”. Loài cây này trồng nhiều tại các xã Hòa Tân, Hòa Ân, Thông Hòa và thị trấn Cầu Kè (huyện Cầu Kè).
Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột. Cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái thường, nước dừa đặc lại, trong veo. Có tài liệu cho rằng cây dừa sáp xuất hiện ở huyện Cầu Kè khoảng năm 1940-1960 do một nhà sư người Khơ me sang thăm Campuchia mang về làm giống. Do đột biến gen, hoặc do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết ở vùng đất Cầu Kè khiến dừa cho trái sáp đặc biệt.
Hiện Trà Vinh có 5 giống dừa sáp phân biệt theo hình dạng, màu vỏ, gồm: dừa tròn, dài, có cạnh, vỏ xanh và vỏ vàng. Cây dừa sáp có dạng trái, màu sắc khác nhau cho cơm dừa dầy, mỏng khác nhau. Nếu không là gia chủ, khó phân biệt cây nào là dừa sáp, cây nào là dừa thường.Cách đơn giản nhất để thưởng thức dừa sáp là bổ đôi trái, dùng muỗng múc trực tiếp. Ngoài ra, dừa sáp trộn với một ít đường, sữa và đậu phộng rang rồi dầm nước đá cũng ngon không kém.
7. VƯƠNG QUỐC KHÔ, MẮM
Gọi Châu Đốc là “vương quốc mắm” không phải chỉ bởi làng nghề đã được hình thành từ khá lâu đời, mà nơi đây còn là địa điểm sản xuất các loại mắm cá hàng đầu ở miền Nam với số lượng thành phẩm hàng trăm ngàn tấn mỗi năm xuất bán ra thị trường. Chỉ tính riêng tại Châu Đốc đã có hơn 100 cơ sở chuyên sản xuất mắm và khô các loại.Bà con làm nghề ủ mắm ở Châu Đốc cho biết thì bất cứ loài cá nào cũng có thể làm mắm được nhưng ngon hơn cả là sản phẩm làm từ cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá chốt, cá linh, cá rô, mè vinh… Giá mắm cá đồng ở “vương quốc” khá rẻ hơn so với các chợ khác. Mỗi ngày có hàng ngàn khách đến chợ tìm mua đặc sản nổi tiếng này. Nơi đây không chỉ bán mắm cho khách thập phương mà còn xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia, Lào…với số lượng lớn.Mắm có bán ở khắp nơi, rất tiện lợi cho du khách, nhưng tập trung nhất là ở chợ Châu Đốc. Có thể nói, chợ Châu Đốc dành đến hơn 50% diện tích cho bà con mở các sạp hàng bán mắm, đủ các nhãn hiệu nổi tiếng như: bà giáo Khỏe, cô Tư Ấu, Phước Lộc, Út Cảnh…
Vào khoảng tháng 7 – 8 cho đến khoảng tháng 11 cuối mùa lũ là thời điểm lý tưởng cho người dân đánh bắt các loại cá trưởng thành. Vì thế, các loại mắm cũng đa dạng về chủng loại. Loài cá nào có thịt dai khi đem làm mắm sẽ cho ra sản phẩm ngon. Ngược lại, những loại cá thịt bở thì mắm sẽ không ngon và không có tên trong vương quốc mắm Châu Đốc ngày nay.
(Nguồn: Tổng Hợp)