KHÁM PHÁ CÁC DINH THỰ BẢO ĐẠI DỌC ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

1. BIỆT THỰ BẢO ĐẠI – ĐỒ SƠN, HẢI PHÒNG

Công trình được Toàn quyền Đông Dương Pasquier cho xây dựng năm 1928 để làm nơi nghỉ dưỡng. Đến năm 1949 Toàn quyền Đông Dương tặng lại cho vua Bảo Đại, từ đó ngôi biệt thự mang tên là Biệt thự Bảo Đại (hay Lầu Bảo Đại). Vua Bảo Đại đã sử dụng nơi này từ năm 1933-1954 để làm việc và nghỉ ngơi cùng gia đình mỗi khi ra bắc trong thời gian ông làm hoàng đế Đại Nam và Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Năm 1955, miền Bắc được giải phóng, biệt thự Bảo Đại được giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Đến năm 1984, Bộ Quốc phòng bàn giao cho Công ty Cổ phần Du lịch Đồ Sơn quản lý trùng tu. Và từ năm 1999 nơi đây bắt đầu đón khách tham quan cùng các dịch vụ du lịch.

Biệt thự toạ lạc trên đỉnh đồi Vung nay thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, được xây dựng ở độ cao gần 40m so với mực nước biển, nằm sát biển, công trình có tầm nhìn đẹp ra biển và toàn bộ bán đảo Đồ Sơn. Công trình có mặt bằng gần 1.000m2 nằm trong khuôn viên rộng 3.700m2. Tòa nhà có kiến trúc kiểu Pháp, xung quanh là hoa viên và nhiều cây xanh.

Biệt thự có 1 tầng hầm và hai tầng nổi. Tầng hầm có các không gian bếp nấu, kho, kỹ thuật, phòng gia nhân. Tầng 1 có phòng khách, phòng làm việc, phòng ăn, phòng ngủ của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Tầng 2 là phòng ngủ của các công chúa, hoàng tử và 1 phòng của quan ngự tiệc Nguyễn Đệ là người thân cận của nhà Vua Bảo Đại trong suốt thời kỳ ông đương nhiệm. Tại các phòng ngủ các hiện vật vẫn được giữ nguyên vị trí.

Hiện nay, biệt thự đã cung ứng dịch vụ thuê phòng cho khách du lịch, bạn có thể sử dụng thêm dịch vụ ăn uống ở đây. Ngoài ra ở đại sảnh tầng trệt, du khách có thể thuê các bộ trang phục cung đình ngồi lên hai chiếc ngai vàng mà vào thời kỳ cai trị vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan vẫn ngồi bàn việc triều chính để chụp ảnh.

Giá vé: 20.000đ/người lớn, 10.000đ/trẻ em.

2. DINH I – ĐÀ LẠT, LÂM ĐỒNG

Dinh 1 được một triệu phú người Pháp tên là Robert Clément Bourgery cho xây dựng vào năm 1940. Công trình nằm trong rừng thông trên một chỏm đồi nhìn xuống thung lũng là nơi săn bắn xưa kia của Bảo Đại, rộng 40-50 ha, ở độ cao 1.550 m(so với mực nước biển). Quần thể công trình này gồm một dinh thự lớn và hai biệt thự nhỏ hơn, tên ban đầu của khu dinh thự lớn này là Domain Bourgerie.

Khoảng cuối năm 1951, “Quốc trưởng Bảo Đại” đã mua lại Domain Bourgerie làm tổng hành dinh làm việc dành cho các cơ quan phục vụ “quốc trưởng” mà trước đây phải đặt rải rác ở nhiều nơi trên đại lộ Yersin (nay là đường Trần Phú). Từ đó, Domain Bourgerie đổi thành Văn Võ phòng quốc trưởng. Lúc Vua Bảo Địa dành quyền sở hữu dinh thự này đã cho sữa sang lại và vô tình phát hiện lên một địa đường hầm có chiều dài lên đến 4km. Theo tìm hiểu thì đường hầm này được người Nhật đào nối thông với Dinh 2 bằng những nhánh rẽ theo lối 11, 16, 18 và 26. Sau khi Vua phát hiện được địa đạo này đã chỉ thị toàn bộ phải giấu kín.

Khi cựu hoàng Bảo Đại sống lưu vong bên Pháp, Năm 1956 Ngô Đình Diệm tiếp quản dinh này làm nơi nghỉ dưỡng đồng thời cho sửa lại phòng của Vua Bảo Đại thành đường Hầm bí mật để mở ra các cuộc họp bí mật, ngụy trang bằng một giá sách bên tay phải giường ngủ. Lối đi thoát ra dẫn trực tiếp đến bãi đậu trực thăng phía lưng đồi.

Sau năm 1975, khu này được gọi là Dinh I, trở thành nhà khách của Trung ương. Sau thời kỳ giải phóng thì Dinh được sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau vì không có ai tu sửa nên dinh thự này đã xuống cấp trầm trọng. Mãi đến năm 2014 bước vào thời đại mới. Nhận thấy Dinh 1 có tiềm năng góp phần phát triển trong ngành du lịch ở Đà Lạt. Cho nên trung tâm quản lý nhà thành phố Đà Lạt đã bàn giao dinh thự cho công tu CP Hoàng Cầu Đà Lạt mục địch trùng tu xây dựng lại đưa Dinh 1 thành một địa điểm tham quan và nghỉ dưỡng. Hiện tại dinh được tu sửa lại đúng nguyên bản của thời kỳ Vua Bảo Đại sinh sống.

Tổng diện tích của Dinh 1 lên đến 60 héc ta rất rộng. Biệt thự có diện tích là 818 m2, trải qua nhiều lần tu sửa hiện trạng gồm 12 phòng lớn nhỏ được bố trí phòng tiếp khách, nội các, phòng nghỉ của Quốc trưởng Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, gian thờ…Tại lầu 1, ngoài sảnh chính để đón tiếp thì hai bên tòa nhà là hai phòng khách. Phía sau có bốn căn phòng là phòng văn thư, phòng chuyển tiếp, vệ sinh và bếp.Cuối lầu 1 bên phải còn có một studio (phòng chụp hình) được trang hoàng ngai vàng, võng lọng sơn son thiết vàng để phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách. Lầu 2 có 3 phòng ngủ là phòng của bà Từ Cung ( mẹ vua Bảo Đại), phòng của vua, phòng của Nam Phương hoàng hậu nằm đối diện qua dãy hành lang. (Theo tuổi trẻ Online, Biệt thự trung tâm của khu Dinh I, là nơi làm việc của Văn Võ phòng quốc trưởng Bảo Đại. Vua Bảo Đại chỉ đến Dinh I làm việc và cũng ở đấy rất ít. Ông thường đi săn bắn để nói chuyện công việc và nghỉ ngơi tại Dinh III. Chức năng của cả khu dinh thự thời cựu hoàng Bảo Đại làm chủ là nơi làm việc, không có chức năng ở hay nghỉ dưỡng)

Giá vé: 50.000đ đối với người lớn trẻ em 25.000đ

Giờ mở cửa: 7:00 – 19:00

3. DINH III – ĐÀ LẠT, LÂM ĐỒNG

Dinh III hay còn gọi là “Cung điện mùa hè” của vua Bảo Đại, tọa lạc tại 01 Triệu Việt Vương, phường 4, Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nằm giữa rừng thông, trên ngọn đồi cao 1.539 m, Dinh III là dinh thự đẹp và trang nhã, gắn liền với các tiểu cảnh kiến trúc công viên, vườn Thượng Uyển, rừng Ái Ân. Đây là dinh mà vua Bảo Đại thường cùng gia đình lên Đà Lạt nghỉ mát và ở lại mỗi dịp hè.

Công trình được xây dựng trong khoảng từ năm 1933 đến năm 1938, do hai kiến trúc sư người Pháp tên là Paul Veysseyre và Arthur Kruze và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc Châu Âu. Biệt điện có 25 phòng ngủ, 2 tầng lầu. Ván gỗ vẫn là vật liệu chính để ốp cầu thang, sàn lầu và làm các vật dụng nội thất của dinh. Đặc biệt, các căn phòng được gắn kết hài hòa với nhau qua các cửa đi và cửa sổ khung thép ốp kính. Khuôn viên bên ngoài dinh có một vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở các cung điện của Pháp.

Tầng trệt dùng làm nơi hội họp, yến tiệc…Toàn bộ tầng hai được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng sinh hoạt, các phòng ngủ của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, các công chúa và hoàng tử. Từ phòng ngủ của vua Bảo Đại có một cửa ra sân thượng còn gọi là Vọng Nguyệt Lầu. Đứng ở đây có thể ngắm nhìn vườn hoa, đường đi dạo, đồi thông và cả thung lũng phía xa xa. Căn phòng làm việc của Vua Bảo Ðại hiện đang trưng bày những ấn tín quân sự, ngọc tỉ của Hoàng đế, quốc thư, quốc kỳ các nước có quan hệ ngoại giao, tượng bán thân của Vua Bảo Ðại và Vua Khải Ðịnh.

Vào năm 1949, hoàng hậu Nam Phương và các con sang Pháp sinh sống, ông sống với các thứ phi Mộng Điệp, Phi Ánh…tại Đà Lạt. Sau khi Bảo Đại qua Pháp sống lưu vong, dinh III là nơi nghỉ mát cao cấp của chính phủ Ngô Đình Diệm và sau này là dinh của Nguyễn Văn Thiệu. Trong nhiều năm, dinh thuộc Ban Tài chính quản trị tỉnh ủy Lâm Đồng và được giao cho Công ty du lịch dịch vụ Xuân Hương quản lý từ giữa năm 2000.

Giá vé: 30 000đ/1 người lớn. Trẻ em trên 1m2 tính giá vé bằng người lớn, thấp hơn được miễn phí vé tham quan.

Giờ mở cửa: 7:00 – 19:00

4. BẠCH DINH – VŨNG TÀU

Bạch Dinh nằm ở đường Trần Phú, phía nam núi Lớn lớn có độ cao 27 m so với mực nước biển. Trước đây là đồn Phước Thắng được Hoàng đế Minh Mạng cho xây dựng năm 1820 để kiểm soát cửa biển Cần Giờ. Sau khi chiếm Đông Dương, từ năm 1898, thực dân Pháp đã san phẳng pháo đài để xây dựng một dinh thự dùng làm nơi nghỉ mát cho các Toàn quyền Đông Dương. Đề án được chính Toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn và ông Toàn quyền này đã đặt tên cho dinh thự là Villa Blanche, theo tên của người con gái ông là bà Blanche Richel Doumer. Do màu sơn bên ngoài toàn bộ là màu trắng cũng như tên gọi Villa Blanche nên người dân gọi dinh thự này là Bạch Dinh.

Tháng 9/1907, dinh được dùng làm nơi giam lỏng vua Thành Thái trong gần 10 năm nên người dân địa phương còn gọi nơi đây là Dinh ông Thượng. Năm 1916, cựu hoàng Thành Thái cùng con trai là vua Duy Tân bị thực dân Pháp đưa đi đày ra đảo Réunion (Châu Phi). Bạch Dinh tiếp tục sử dụng làm nơi nghỉ mát của các Toàn quyền Đông Dương. Năm 1934, dinh nhượng lại để làm nơi nghỉ dưỡng của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Trong những năm sau đó, dinh luôn được dùng làm nơi nghỉ ngơi của nguyên thủ hoặc các quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam cộng hòa.

Để vào Bạch Dinh có hai lối đi: 1 lối dành cho xe ô tô hướng thẳng đến tiền sảnh, con đường này uốn quanh, chạy dưới rừng cây giá tỵ, lối còn lại phải đi qua 146 bậc thang, hai bên là hàng cây sứ lâu năm.

Bên cạnh giá trị lịch sử, Bạch Dinh được đánh giá là một công trình kiến trúc có tính nghệ thuật cao. Ba mặt tường chính của tòa dinh thự có 8 bức tượng đá bán thân mang phong cách của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại gắn trên một đường viền trạm trổ tinh tế. Biệt thự có diện tích hơn 400 m2, cao 19m, rộng 15m, dài 28m, gồm 3 tầng với nhiều phòng, các cửa sổ, cửa chính bằng gỗ, hoa văn trang trí cầu thang bằng sắt. Theo lời người dân truyền lại, tầng hầm dành cho việc nấu nướng, ăn uống, tầng trệt dùng để làm khánh tiết, tầng còn lại dành cho việc nghỉ ngơi.

Từ năm 1991 đến nay, một phần của Bạch Dinh được dùng làm bảo tàng, trưng bày 8.000 hiện vật độc bản nằm trong bộ sưu tập cổ vật gốm sứ có niên hiệu Khang Hy (thế kỷ XVII) được trục vớt từ Hòn Cau – Côn Đảo, cùng nhiều hiện vật có giá trị khác được tìm thấy qua các đợt khai quật khảo cổ ở Bà Rịa – Vũng Tàu…

Bạch Dinh được Bộ văn hoá – thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 4/8/1992

Giá vé tham quan: 5.000 đồng

Mở cửa: 7h00 – 17h00

5. BIỆT THỰ CẦU ĐÁ – NHA TRANG,KHÁNH HÒA

Biệt thự cầu đá là tên gọi chung của một cụm 5 toà biệt thự và một số kiến trúc phụ trợ khác, mang phong cách kiến trúc thời Pháp, toạ lạc trên đỉnh núi Cảnh Long (Núi chụt), cách trung tâm thành phố khoảng 6km, tại phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang. Được xây dựng năm 1923, làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học.

Chính tiến sĩ Armand Krempt (người Pháp gốc Đức), sau này là giám đốc đầu tiên của Hải học viện Đông Dương là người trực tiếp chỉ huy thiết kế xây dựng đồ án biệt thự Cầu Đá. Sau khi hoàn thành xây dựng biệt thự, người Pháp xây dựng Hải học viện Đông Dương vào năm 1925, nằm ngay gần đó. Tiến sĩ Armand Krempt cũng là chủ nhân đầu tiên của biệt thự Xương Rồng – biệt thự có vị trí và kiến trúc đẹp nhất.

5 ngôi biệt thự được đặt theo tên các loài cây và hoa trồng xung quanh khuôn viên biệt thự. Biệt thự thứ nhất nằm ở ngọn đồi cuối cùng của mỏm núi nhô ra gần biển nhất có tên là “Les Agaves” – Xương Rồng, biệt thự thứ hai ở ngọn đồi tiếp theo về phía trong đất liền là “Les Frangipaniers” – Bông Sứ; ba biệt thự còn lại nằm trên ngọn đồi thứ ba lần lượt có tên: “Les Bouguinvillés” – Bông Giấy, “Les Flamboyants” – Phượng Vĩ, “Les Badamniers” – Cây Bàng. Các biệt thự đều được xây dựng với quy mô nhỏ nhắn, xinh xắn, có 2 tầng, theo phong cách cổ điển Pháp. Tất cả hệ thống cửa đều 2 lớp trong kính ngoài chớp phù hợp với khí hậu nhiệt đới.

Trong bối cảnh có nhiều biến động về chính trị, ngoại giao, người Pháp đã chuyển giao hai ngôi biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ cho triều đình nhà Nguyễn và vua Bảo Đại nhằm đạt những lợi thế chính trị. Từ năm 1940 đến năm 1945, Hoàng đế Bảo Ðại và Hoàng hậu Nam Phương thường đến nghỉ ở biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ, lấy việc câu cá, ngắm biển làm thú tiêu khiển. Vì thế, khu biệt thự Cầu Đá được gọi chung là Lầu Bảo Đại.

Biệt thự Xương rồng có dáng hình hộp chữ nhật, cao hai tầng, cửa chính quay về hướng đông. Từ sân trước của biệt thự có hai đường vòng theo hai hướng xuống chân đồi. Đường vòng hướng tây trải nhựa men theo sườn đồi, đường vòng hướng nam là đường bậc thang dẫn đến bãi tắm Hoàng Hậu. Trong thời gian hoàng đế Bảo Đại ở đây, tầng trệt được dung làm phòng họp, chiêu đãi quan khách, tầng trên là nơi nghỉ ngơi, còn trên sân thượng là nơi hoàng đế đón gió, ngắm trăng lên. Cửa hướng đông của biệt thự Bông Sứ có lối đi sang biệt thự Xương Rồng được tạo thành hoa viên.

Sau khi hiệp định Genève được ký kết, gia đình Ngô Đình Diệm là chủ nhân mới của hai biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ. Bà Trần Lệ Xuân đã đặt tên mới cho biệt thự Xương Rồng là Nghinh Phong, còn Bông Sứ là Vọng Nguyệt.

Từ sau năm 1975, Lầu Bảo Đại trở thành một điểm tham quan, du lịch. Các biệt thự xưa hiện được khai thác kinh doanh khách sạn. Một số kiến trúc khác được xây mới như nhà hàng Bảo Đại, nhà hàng Hoàng Hậu, một số nhà nghỉ và các công trình phụ trợ khác. Dưới lầu trệt Xương Rồng cũng đang trưng bày rất nhiều hiện vật của nhà vua Bảo Đại

Hiện nay Biệt thự bị xuống cấp và đang tạm đóng cửa do doanh nghiệp thi công sai phạm.

6. BIIỆT ĐIỆN BẢO ĐẠI – BUÔN MÊ THUỘT, ĐẮK LẮK

Tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột. Khuôn viên di tích rộng gần 7 ha, có nhiều cây cổ thụ hơn 100 tuổi. Đáng chú ý nhất là có 2 cây long não trồng đối xứng ở 2 bên đường vào có dáng rất đẹp và hiếm thấy, đây có thể là một trong những cây long não to nhất ở Việt Nam.Từ cổng vào là 02 cây Long não ở hai phía bên trong cổng, mỗi cây có chu vi gốc khoảng 8m, tán xòe lá rộng tạo nên khung cảnh trang nghiêm.

Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, nơi đây nguyên là nhà làm việc của Công sứ tỉnh Đắk Lắk. Lúc đầu ngôi nhà được dựng lên bằng các vật liệu như gỗ, tranh, tre, nứa… Đến năm 1926, được xây dựng lại bằng gạch, đá, xi măng kiên cố và hoàn thành vào năm 1927 mang tên là Toà công sứ Pháp. Năm 1940 ngôi nhà được xây dựng lại theo lối kiến trúc mảnh đất này kết hợp hiện đại. Mái ngói, sàn gỗ, phía dưới là tầng hầm bê tông.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng đã sử dụng toà nhà này làm trụ sở của Hội đồng cố vấn cách mạng. Trong thời kỳ thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam, vua Bảo Đại nhà Nguyễn đã đến đây để nghỉ ngơi, săn bắn. Từ đó toà nhà có thêm tên Biệt điện Bảo Đại và được quen gọi đến ngày nay.

Từ năm 1977, biệt điện được dùng làm nhà khách, hiện thuộc một phần bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đăk Lăk.

Giá vé tham quan: 30.000 đồng

7. BIIỆT ĐIỆN BẢO ĐẠI – HỒ LẮK, ĐẮK LẮK

Khu biệt điện này là một tòa nhà ba tầng tương đối đồ sộ, được xây theo lối kiến trúc hiện đại vào năm 1951, lúc Bảo Đại làm Quốc trưởng để làm nơi dừng chân khi vua và gia đình lên Buôn Ma Thuột nghỉ mát.

Biệt điện nằm trên chóp một ngọn đồi cao 422 mét so với mặt nước biển. Từ đồi Bảo Đại nhìn xuống thấy cả hồ Lak – hồ nước ngọt tự nhiện lớn nhất Tây Nguyên, bao quanh là những cánh rừng nguyên sinh. Ngọn đồi này được người dân trong vùng gọi là đồi Bảo Đại.

Khu biệt điện này do đích thân Hoàng Hậu Nam Phương chịu trách nhiệm đứng ra cho thi công và trả tiền cho công trình kiến trúc nằm giữa vùng hẻo lánh, địa hình hiểm trở này. Các căn phòng ở biệt điện đều có cửa sổ rộng với góc nhìn tuyệt đẹp về 4 phía. Nhìn ra quanh vườn là những cây sứ trắng cổ thụ ngát thơm hàng trăm năm tuổi, xa xa là hồ Lăk thấp thoáng sau những tán cây rừng

Ngoài nghỉ dưỡng, biệt điện này còn có vai trò là một “trại săn” của vua Bảo Đại. Ông Nguyễn Đức Hòa, cận thần của vua Bảo Đại ngày còn sống từng kể rằng, việc chuẩn bị cho những chuyến đi săn dài ngày từ Đà Lạt sang hồ Lak bao giờ cũng quy mô và kỳ công khi vừa đảm bảo sinh mạng vua và vừa thỏa mãn cảm giác tự do khám phá, chinh phục thiên nhiên của vua Bảo Đại.

Hiện ở biệt điện còn lưu giữ nhiều hình ảnh về vua Bảo Đại cưỡi voi đi săn, bộ đồ săn của vua, tiêu bản cá sấu hồ Lăk…

Biệt điện Bảo Đại từng rơi vào tình trạng hoang phế trong suốt nhiều thập niên. Phải đến đầu những năm 2000 công trình này mới được trùng tu và đưa vào phục vụ du lịch. Ngày nay, biệt điện là một tổ hợp nhà hàng – khách sạn sang trọng.

Giá vé thăm quan: 10.000đ

8. BIỆT THỰ BẢO ĐẠI – HÀ NỘI

Căn biệt thự 51 Trần Hưng Đạo được xây dựng từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự này là thị trưởng Hà Nội (người Pháp).

 

Biệt thự có kiến trúc đậm chất Pháp. Đây cũng là một trong những công trình nhà ở Pháp tiêu biểu của Hà Nội. Toàn bộ khuôn viên công trình bao gồm khu nhà ở, sân vườn có tổng diện tích hơn 2.000 m2. Phần nhà ở có diện tích gần 800 m2, gồm 3 tầng.

Năm 1945, sau khi thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội, ông sống ở căn biệt thự 51 Trần Hưng Đạo với bà “thứ phi” Mộng Điệp và có với nhau người con đầu lòng tại đây, đặt tên là Phương Thảo, sinh năm 1946. Do đó, nhiều người gọi đây là “Dinh Bảo Đại” thứ 8.

Hiện nay, căn biệt thự 51 Trần Hưng Đạo là trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

(Nguồn: tổng hợp)

Lý do chọn Du Lịch Đại Lục?

  • Đảm bảo giá cả hợp lý nhất
  • Chăm sóc khách hàng tận tâm
  • Các tour được lựa chọn kỹ càng
  • Bảo hiểm du lịch miễn phí

Bạn có thắc mắc?

Đừng ngần ngại gọi cho chúng tôi.

0936420418 hoặc Email cho chúng tôi, chúng tôi sẽ liên hệ lại ngay với bạn.

sales@vietnamcontinental.com.vn

Bài viết nổi bật