Nhắc đến những pho tượng Phật ở Việt Nam, hẳn mọi người sẽ nghĩ đến những ngôi chùa cổ kính. Thế nhưng, tượng Phật đôi Quan Thế Âm lớn nhất Việt Nam lại nằm trong khuôn viên của Tịnh xá Ngọc Hòa, sát vách Eo Gió nổi tiếng ở Quy Nhơn.
ĐÔI NÉT VỀ TỊNH XÁ NGỌC HÒA
Tịnh xá Ngọc Hòa toạ lạc nơi thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.Tịnh xá được cố Hòa Thượng Giác An (một trong những vị đệ tử lớn của Tổ sư Minh Đăng Quang – Người khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam) chính thức thành lập vào tháng 5 năm Nhâm Dần (1962) sau hai năm xây dựng.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và đạo pháp, đạo tràng Tịnh xá đã được nhiều đời trụ trì tu sửa và mở rộng khang trang hơn, nhưng vẫn luôn giữ được những nét đặt thù của kiến trúc hệ phái Khất sĩ và hòa nhập phát triển theo hướng “Đạo phật đi vào cuộc đời”!
Hiện nay, Tịnh xá do Đại đức Thích Giác Tri trụ trì.
KIẾN TRÚC TỊNH XÁ NGỌC HÒA
Đa phần những nơi thờ tự của Hệ phái Khất sĩ đều mang tên là tịnh xá. Danh từ này dịch từ tiếng Phạn “vihāra”, vốn có nghĩa là một trú xứ thanh tịnh, u tịch dành cho chư Tăng tu hành, tham thiền, nhập định.
Tịnh xá Ngọc Hòa trải qua cuộc đại trùng tu vào cuối năm 2017, và đến cuối năm 2020 được coi là hoàn thiện với khuôn viên phủ kín cây xanh và mang đậm âm hưởng của đạo Phật Khất sĩ.
Chánh điện
Chánh điện là trung tâm của tịnh xá, xây dựng theo mô hình bát giác, tượng trưng cho Bát chánh đạo.
Bốn cột lớn trong lòng chánh điện tượng trưng cho Tứ chúng, dưới mỗi cột là bệ đỡ hoa sen với ý nghĩa tứ chúng tu tập dựa trên nền tảng thanh tịnh như hoa sen thì mới chống đỡ được ngôi nhà Phật pháp.Bệ thờ Phật xây ba bậc mang ý nghĩa là Tam Bảo hay cũng là Tam Vô lậu học.Tháp gỗ trên bệ thờ cao nhất có mười ba tầng, tượng trưng cho mười ba nấc thang tiến hóa tâm linh của chúng sinh. Đây là nơi thờ tôn tượng Đức Phật Bổn Sư.Tịnh xá là nơi rộng mở đối với mọi người, nên bốn hướng đều có bốn cửa và luôn luôn mở rộng.
Bên trên nhà bát giác là cổ lầu tứ giác tượng trưng cho Tứ diệu đế, đồng thời, khắc bốn chữ “Tịnh xá Ngọc Hòa”.Đỉnh trên cùng của chánh điện là biểu tượng hoa sen và ngọn đèn Chơn Lý, biểu trưng cho sự thanh tịnh cao khiết và ánh sáng chơn lý sẽ soi sáng cho muôn loài chúng sinh.
Các công trình liền kề và khuôn viên xanh mướt
Khuôn viên Tịnh xá Ngọc Hòa không quá rộng, nhưng được bài trí khá hợp lý và nhiều khu tiểu cảnh hòa trộn giữa Phật giáo và thiên nhiên.
Không chỉ bức tường Phật giáo độc đáo, đầy tính nghệ thuật bao quanh tịnh xá mà đa phần các công trình ở đây đều được xây bằng đá tổ ong truyền thống của người dân Bình Định. Từ cổng đi vào là không gian thoáng đãng, bên phải là Bảo tháp có long vị của vị trụ trì đầu tiên của tịnh xá – Đại đức Thị Niệm Thiện Giai;Bên trái là dãy nhà riêng biệt cho chư Tăng, chư Ni, thiện nam và tín nữ, xen kẽ là những tiểu cảnh hoa lá rất bắt mắt.
Thậm chí, đôi lúc, bạn còn có cảm tưởng mình đang trong khuôn viên vườn Nhật. Đi qua chánh điện lại là khoảng sân rộng với mảng cỏ được cắt tỉa nghệ thuật.Ngước lên sườn núi, bạn sẽ thấy tượng Quan thế Âm màu trắng thường gặp, tượng Phật Di Lặc màu xanh ngọc bích cười hiền hòa…Và ở đây, bạn sẽ bắt gặp kiến trúc tượng cười bốn mặt với nụ cười bí ẩn như trong các ngôi chùa Khmer. Tất cả tạo nên sức hút với du khách xa gần. Nhưng trên hết, nét độc đáo của tịnh xá chính là bức tượng Phật đôi nằm sát sau tịnh xá. Đó là bức tượng kép của Quan Thế Âm được áp lưng vào nhau.
TƯỢNG PHẬT ĐÔI LỚN NHẤT VIỆT NAM
Nếu bạn đi lên núi Kỳ Co theo đường bộ, lúc lên dốc ngắm toàn cảnh Nhơn Lý, bạn sẽ thấy bức tượng Phật đôi dát vàng này nổi bật trên sườn Eo Gió.
Tượng cao gần 30m (bao gồm cả phần đế). Và là tượng Phật đôi cao nhất Việt Nam hiện nay. Tượng Phật đôi gồm hai tượng phật Bà Quan Thế Âm tựa lưng vào nhau, được phủ lại hoàn toàn bằng lớp sơn nhũ vàng giúp chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt và tô điểm thêm vẻ đẹp quê hương và cảnh sắc khuôn viên tịnh xá.
- Một mặt tượng là Quan Thế Âm Nam Hải tay cầm tịnh bình cam lộ hướng ra phía biển với ngụ ý “Biển bạc”, mong cầu ấm no, bình an cho những ngư dân làng chài nơi đây.
- Mặt tượng kia hướng về phía Nam (cổng chính Tịnh xá) là Quan Thế Âm Kiết Tường tay cầm tràng hạt và kinh sách với ý nghĩa “Rừng vàng”, nhằm mong cầu sự thịnh vượng, an lạc cho tất cả chúng sinh và người con của mảnh đất duyên hải này.
Thân của tượng đôi làm rỗng, gồm nhiều tầng. Vào ngày đại lễ yểm tượng, tịnh xá và các Phật tử xa gần đã đặt vào bên trong 2.000 bức tượng Quan Thế Âm cỡ nhỏ, bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng, đá, composite… kèm thông tin đầy đủ về ý tưởng và quá trình xây dựng hoàn thiện tượng nhằm mục đích lưu lại cho đời sau.
Theo kỹ thuật xây truyền thống của dân Bình Định, đế tượng Phật Đôi xây bằng đá tổ ong, có kết hợp với bê tông cốt thép.Bốn góc đế tượng là những pho tượng được điêu khắc trên đá rất uyển chuyển với bốn màu khác nhau rất đẹp mắt. Ngay dưới bức tượng là nhà An Bình rộng hơn 100m², có thể lưu giữ được 8.000 hũ tro cốt ở bên trong. Tịnh xá muốn tạo nơi yên nghỉ mới cho người đã mất thuộc dân làng chung quanh.Đứng ở góc độ mỹ thuật, tượng Phật đôi là sự chắt lọc tinh tế những triết lý, tạo hình từ các nền văn hóa khác nhau: đôi mắt được lấy tạo hình từ Tây Tạng, hình thể mang dáng dấp của người Việt mẫu mực, tấm lá chắn ở giữa với tạo hình ngọn lửa hủy diệt của thần Shiva thì được học hỏi từ Ấn Độ, hay những bức bích họa thì được lấy cảm hứng từ đất nước Chăm pa…Có thể nói, sự độc đáo của tượng Phật giữa khung cảnh yên bình, nên thơ của Tịnh xá Ngọc Hòa đã tạo điểm nhấn mới cho điểm đến Quy Nhơn.
– Nguồn: Tổng hợp –